Kiểm tra thẩm thấu (PT)

Kiểm tra thẩm thấu (PT) là một phương pháp kiểm tra không phá hủy (NDT) phổ biến, được áp dụng để phát hiện các bất liên tục hở ra trên bề mặt của bất cứ sản phẩm công nghiệp nào được chế tạo từ những vật liệu không xốp. Phương pháp này được sử dụng phổ biến để kiểm tra những vật liệu không từ tính. Trong phương pháp này, chất thấm lỏng được phun lên bề mặt của sản phẩm trong một thời gian nhất định, sau đó phần chất thấm còn dư được loại bỏ khỏi bề mặt. Bề mặt sau đó được làm khô và phủ chất hiện lên nó. Những chất thấm nằm trong bất liên tục sẽ bị chất hiện hấp thụ tạo thành chỉ thị kiểm tra, phản ánh vị trí và bản chất của bất liên tục.

Các chất thấm lỏng được sử dụng trong phương pháp này là chất thấm nhuộm màu nhìn thấy được và chất thấm huỳnh quang. Quá trình kiểm tra bằng chất thấm nhuộm màu nhìn thấy được thì được thực hiện dưới ánh sáng trắng bình thường còn quá trình kiểm tra bằng chất thấm huỳnh quang được thực hiện dưới ánh sáng đen (tia cực tím hay tử ngoại) trong điều kiện phòng tối. Quá trình xử lý chất thấm lỏng được phân loại theo phương pháp làm sạch vật thể kiểm tra. Các chất thấm có thể là loại:

(i) Rửa sạch bằng nước,

(ii) nhũ tương hóa được, có nghĩa là: chất nhũ tương được thêm vào chất thấm lỏng dư thừa trên bề mặt vật thể kiểm tra để tạo cho nó có thể rửa sạch bằng nước,

(iii) rửa bằng dung môi hoà tan, có nghĩa là: lượng chất thấm lỏng dư thừa được hòa tan trong chất dung môi để tẩy rửa chúng khỏi bề mặt vật thể kiểm tra.

Các quá trình kiểm tra bằng chất thấm lỏng

  • Chất thấm huỳnh quang tiền nhũ tương hóa.
  • Chất thấm huỳnh quang rửa bằng dung môi hoà tan.
  • Chất thấm huỳnh quang rửa được bằng nước
  • Chất thấm nhuộm màu nhìn thấy được tiền nhũ tương hóa.
  • Chất thấm nhuộm màu nhìn thấy được rửa bằng dung môi hòa tan.
  • Chất thấm nhuộm màu nhìn thấy được rửa được bằng nước.

Một số ưu điểm của phương pháp kiểm tra bằng chất thấm lỏng

  • Rất nhạy với những khuyết tật nằm trên bề mặt, nếu được sử dụng phù hợp.
  • Thiết bị và vật tư được dùng trong phương pháp này tương đối rẽ tiền.
  • Quá trình thấm lỏng tương đối đơn giản và không gây ra vấn đề rắc rối.
  • Hình dạng của chi tiết kiểm tra không là vấn đề quan trọng.

Một số hạn chế của phương pháp kiểm tra bằng chất thấm lỏng

  • Các khuyết tật phải hở ra trên bề mặt.
  • Vật liệu được kiểm tra phải không xốp.
  • Quá trình kiểm tra bằng chất thấm lỏng khá bẩn.
  • Giá thành kiểm tra tương đối cao.